Hiểu đúng về suy giảm chức năng gan

Tác giả: Hùng Ngày đăng: 25/07/2022

Suy gan xảy ra khi các phần lớn của gan bị tổn thương đến mức không thể tự phục hồi và hoạt động bình thường trở lại nữa. Có hai loại suy giảm chức năng gan là cấp tính (suy gan nhanh) và mạn tính (gan tổn thương dần).

1. Triệu chứng của bệnh về gan

Chức năng gan suy giảm khó chẩn đoán sớm từ ban đầu vì các triệu chứng sẽ tương tự như các bệnh về gan khác, cụ thể là:

  • Buồn nôn;
  • Ăn mất ngon;
  • Mệt mỏi;
  • Tiêu chảy.

Nhưng khi suy gan tiến triển, các triệu chứng dần trở nên nghiêm trọng hơn và cần được điều trị ngay lập tức, bao gồm:

  • Vàng da;
  • Dễ chảy máu;
  • Sưng, chướng bụng;
  • Rối loạn tâm thần (được gọi là bệnh não gan);
  • Thường xuyên buồn ngủ.

2. Nguyên nhân gây suy gan

2.1. Cấp tính

Suy gan cấp tính là khi gan ngừng hoạt động trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Hầu hết bệnh nhân đều không hề mắc bệnh về gan hoặc gặp triệu chứng bất thường nào trước đây. Các nguyên nhân bao gồm:

  • Quá liều Acetaminophen: Liều lớn có thể làm hỏng gan hoặc dẫn đến suy giảm chức năng gan;
  • Các loại virus viêm gan A, B và E, virus Epstein-Barr, cytomegalovirus và virus herpes simplex: Làm tổn thương gan hoặc xơ gan;
  • Phản ứng với một số loại thuốc kê đơn và thảo dược: Thuốc có thể tiêu diệt tế bào trong gan hoặc làm hỏng các ống dẫn giữa gan và mật;
  • Ăn nấm dại độc hại: Nấm Amanita phalloides - còn được gọi là mũ tử thần, chứa độc tố gây tổn thương tế bào gan và dẫn đến suy gan trong vài ngày;
  • Viêm gan tự miễn: Tương tự viêm gan virus, căn bệnh này cũng tấn công gan và có thể dẫn đến chức năng gan suy giảm cấp tính;
  • Bệnh Wilson: Là một bệnh di truyền, ngăn cản chức năng đào thải đồng của cơ thể, khiến đồng tích tụ và gây hại cho gan;
Bệnh lý Wilson
Bệnh lý Wilson tác động đến gan

 

  • Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ: Tình trạng này khá hiếm gặp, khi chất béo dư thừa tập trung vào gan và gây hại cho gan;
  • Sốc nhiễm khuẩn: Nhiễm trùng quá mức trong cơ thể sẽ làm hỏng gan hoặc khiến gan ngừng hoạt động;
  • Hội chứng Budd Chiari: Là một bệnh hiếm gặp, làm thu hẹp và tắc nghẽn các mạch máu trong gan;
  • Độc tố công nghiệp: Nhiều hóa chất như carbon tetrachloride, chất tẩy rửa và tẩy dầu mỡ trên bề mặt kim loại,... có thể làm hỏng chức năng thải độc gan.

 

2.2. Mạn tính

Chức năng gan suy giảm mạn tính là những tổn thương gan tích tụ theo thời gian và khiến gan ngừng hoạt động. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Viêm gan B: Khiến gan bị sưng lên và không thể hoạt động đúng theo chức năng vốn có;
  • Viêm gan C: Nếu mắc bệnh lâu dài có thể dẫn đến xơ gan;
  • Lạm dụng rượu: Theo thời gian cũng dẫn đến xơ gan;
  • Thừa sắt (Hemochromatosis): Rối loạn di truyền này khiến cơ thể hấp thụ và dự trữ quá nhiều chất sắt. Sắt tích tụ trong gan và gây ra xơ gan.

Các tình trạng khác cũng có nguy cơ dẫn đến suy gan mạn là:

  • Viêm gan A: Sử dụng thực phẩm hoặc nước bị nhiễm virus, hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh có thể khiến bạn bị lây nhiễm. Viêm gan A thường tự khỏi sau 1 thời gian ngắn;
  • Viêm gan tự miễn: Hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào gan và gây viêm;
viêm gan C
Viêm gan do virus có nguy cơ dẫn đến suy gan mạn

 

  • Xơ gan: Uống rượu trong thời gian dài hoặc có vết sẹo trong gan sẽ khiến gan gặp khó khăn, thậm chí là không thể hoạt động bình thường;
  • Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát: Làm tổn thương ống mật dần dần, chủ yếu xuất hiện ở nam giới trẻ tuổi;
  • Tăng oxalat niệu: Khi thận không thể loại bỏ các tinh thể canxi oxalate qua nước tiểu, lâu dần cũng ảnh hưởng đến thải độc gan;
  • Bệnh Wilson: Là bệnh di truyền hiếm gặp, khiến người bệnh lưu trữ quá nhiều đồng trong não và gan;
  • Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin: Tình trạng di truyền này có thể dẫn đến bệnh phổi hoặc gan;
  • Ung thư gan: Những người mắc viêm gan B hoặc C lâu dài thường dẫn đến ung thư;
  • U tuyến gan: Khối u lành tính xuất hiện trên một lá gan khỏe mạnh, thường gặp ở phụ nữ từ 20 - 44 tuổi;
  • Bệnh gan nhiễm mỡ: Các tế bào mỡ thừa có thể tích tụ trên gan, thường gặp ở những người thừa cân, béo phì hoặc có cholesterol cao. Trong khi bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rượu thì xuất hiện ở người nghiện rượu nặng;
  • Viêm gan do rượu: Viêm gan do uống nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian dài;
  • Hội chứng Alagille: Rối loạn di truyền khiến người bệnh có số lượng ống dẫn mật trong gan ít hơn bình thường;
  • Viêm đường mật tiên phát: Theo thời gian, xơ gan mật tiên phát phá hủy các ống dẫn mật nhỏ trong gan;
  • Rối loạn chuyển hóa đường Galactosemia: Người bệnh không thể sử dụng được galactose - một loại đường có trong nhiều thực phẩm, gây tích tụ nhiều trong cơ thể và làm tổn thương thải độc gan;
Uống sữa
Đường galactose có nhiều trong thực phẩm

 

  • Thiếu lipid lysosomal acid (LAL-D): Tình trạng di truyền này ngăn cản cơ thể sản xuất enzyme lysosomal acid lipase (LAL) - có tác dụng phân hủy chất béo và cholesterol trong các tế bào. Kết quả là chất béo ở lại trong gan và gây suy giảm chức năng gan.

3. Các giai đoạn bệnh gan

Giai đoạn 1: Viêm

Ở giai đoạn đầu, gan sẽ bị viêm và có thể gây đau hoặc không có bất cứ triệu chứng nào/

Giai đoạn 2: Xơ hóa / sẹo

Nếu viêm gan không được điều trị sẽ gây sẹo. Mô sẹo tích tụ trong gan sẽ ngăn chặn lưu lượng máu, khiến gan muốn làm việc bình thường thì phải hoạt động vất vả hơn.

Giai đoạn 3: Xơ gan

Các mô sẹo càng ngày phát triển, lấn át gần hết tế bào gan khỏe mạnh. Gan không thể hoạt động đúng chức năng vốn có, hay thậm chí là ngừng hoạt động.

Giai đoạn 4 (cuối): Suy gan

Gan có thể bị sưng, chảy máu trong, mất chức năng thận, tràn dịch trong bụng, cũng như xuất hiện các vấn đề ở phổi kèm theo. Ghép gan là phương pháp điều trị duy nhất ở giai đoạn này.

Phẫu thuật
Giai đoạn suy gan, người bệnh được chỉ định ghép gan

 

Nếu không được điều trị kịp thời, chức năng gan suy giảm có nguy cơ dẫn đến các biến chứng như:

  • Phù não: Suy gan thường gây tích tụ chất lỏng. Ngoài bụng, dịch cũng có thể tràn vào trong não và làm tăng áp;
  • Khó đông máu: Gan đóng vai trò lớn trong việc giúp máu đông lại. Khi gan ngừng hoạt động, bạn có nguy cơ bị chảy máu không thể cầm được;
  • Nhiễm trùng: Bệnh gan giai đoạn cuối có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm phổi và nhiễm trùng tiểu;
  • Suy thận: Suy gan có thể làm thay đổi cách hoạt động của thận và dẫn đến suy giảm chức năng thận.

4. Chẩn đoán và điều trị suy gan

 

4.1. Xét nghiệm

Các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán suy gan cũng như các bệnh về gan bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Giúp bác sĩ biết khả năng hoạt động của gan đang ở mức nào. Bạn có thể được đo thời gian đông máu, vì khi bị suy gan cấp máu sẽ đông chậm hơn bình thường;
  • Xét nghiệm hình ảnh: Giúp bác sĩ nhìn thấy hiện trạng của lá gan và tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính bụng (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy ra một mô gan nhỏ và xem xét trong phòng thí nghiệm. Sinh thiết gan qua tĩnh mạch cảnh là một quy trình đặc biệt, trong đó bác sĩ sẽ đưa kim vào tĩnh mạch ở cổ của bạn.
MRI suy gan
Hình ảnh MRI suy gan

 

4.2. Điều trị

  • Thuốc

Acetylcystein có thể đảo ngược suy gan cấp tính do quá liều acetaminophen với điều kiện dùng ngay lập tức. Ngoài ra còn có các loại thuốc có tác dụng giải độc của nấm hoặc các hóa chất khác.

  • Chăm sóc hỗ trợ

Nếu chức năng gan suy giảm do virus, bệnh viện sẽ điều trị các triệu chứng của người bệnh cho đến khi virus ngừng hoạt động. Trong những trường hợp này, đôi khi gan sẽ tự phục hồi.

  • Ghép gan

Nếu suy gan là do tổn thương lâu dài, bước đầu tiên của điều trị là bảo tồn và phục hồi những phần gan vẫn còn khả năng hoạt động. Trường hợp tiến triển đến suy giảm chức năng gan, bệnh nhân bắt buộc phải ghép gan với tỷ lệ thành công khá cao.

Điều trị sau mổ ghép gan
Bệnh nhân sau mổ ghép gan tại Vinmec

5. Ngăn ngừa suy gan

Cách tốt nhất để ngăn ngừa chức năng gan suy giảm là hạn chế nguy cơ mắc bệnh xơ gan hoặc viêm gan. Các bác sĩ khuyến cáo mọi người:

  • Tiêm vắc-xin để ngăn ngừa viêm gan A và B;
  • Tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý;
  • Duy trì cân nặng vừa phải, khỏe mạnh;
  • Không uống quá nhiều rượu, tránh uống rượu khi đang dùng acetaminophen;
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay kỹ và thường xuyên;
  • Không dùng chung đồ cá nhân, như bàn chải đánh răng và dao cạo râu;
  • Nếu dự định xăm mình hoặc bấm lỗ trên cơ thể, hãy chọn cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh và tất cả các thiết bị đều vô trùng;
  • Quan hệ tình dục an toàn với bao cao su;
  • Không dùng chung bơm kim tiêm với bất kỳ ai

Nguồn: Vinmec

Bạn đang xem: Hiểu đúng về suy giảm chức năng gan
Bài trước Bài sau
hotline 096.284.7373 hotline 0243.686.5568
popup

Số lượng:

Tổng tiền: